Hội Tin học Việt Nam (VAIP)

GIỚI THIỆU HỘI TIN HỌC VIỆT NAM

Trụ sở: tầng 6, số 14 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, VietNam

Tel: 844 38211725, 844 39712597,

email: office@vaip.vn,

Website: http://www.VAIP.vn

Hội Tin học Việt Nam (VAIP - Vietnam Association for Information Processing) được thành lập theo Quyết định số 312/QĐ/HĐBT ngày 17/12/2988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). VAIP là tổ chức xã hội - nghề nghiệp phi chính phủ, là thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, thành viên Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam và là thành viên Liên minh CNTT thế giới (International Federation for Information Processing - IFIP).

VAIP là tổ chức tự nguyện của những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, quản lý, kinh doanh, phổ biến và ứng dụng CNTT-TT. Mục tiêu của VAIP là tập hợp lực lượng để góp phần đẩy mạnh các hoạt động phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và khoa học công nghệ của đất nước.

Phương châm hoạt động Hội Tin học Việt Nam:

Đoàn kết - Hợp tác vì sự phát triển của CNTT-TT Việt Nam

Chủ tịch Hội: TS. Bùi Mạnh Hải

Phó Tổng Thư ký: Ths. Nguyễn Long

Danh sách các thành viên Ban Chấp hành

Danh sách các thành viên Ban Kiểm tra

Các thành viên của VAIP gồm: gần 50.000 hội viên cá nhân tập hợp từ 41 Hội Tin học thành viên chính thức (10 Ban vận động thành lập Hội Tin học thành viên tỉnh-thành và Bộ, Ngành), hơn 20 chi hội TW trong các Bộ-Ngành-Viện-Trường, gần 50 các đơn vị hội viên tập thể là pháp nhân có quy mô hoạt động liên tỉnh và toàn quốc, 5 đơn vị hoạt động khoa học công nghệ trực thuộc.

Các đơn vị - tổ chức trc thuộc ( Chi Hội thành viên) gồm có:

  • Câu lạc bộ Phần mềm Tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) https://vfossa.vn

  • Câu lạc bộ các Khoa - Viện - Trường CNTT-TT Việt Nam (FISU) https://www.fisu.edu.vn

  • Câu lạc bộ Xử lý Ngôn ngữ và Tiếng nói tiếng Việt (VLSP) https://vlsp.org.vn

  • Câu lạc bộ Olympic Tin học Việt Nam (VNOI) https://vnoi.info

  • Viện Tin học Nhân dân (ICT4P)

Các Hội Tin học thành viên gồm có:

Chức năng- nhiệm vụ

· Động viên tinh thần tích cực và khả năng sáng tạo của hội viên nhằm thúc đẩy việc ứng dụng và phát triển CNTT-TT; sử dụng những thành tựu của CNTT-TT phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; đồng thời giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên trong hoạt động CNTT-TT.

· Tổ chức và giúp đỡ hội viên trong các hoạt động kinh tế - khoa học và ứng dụng CNTT-TT, các loại hình sản xuất, dịch vụ CNTT-TT góp phần tạo thêm việc làm cho hội viên.

· Tạo điều kiện cho hội viên nâng cao trình độ nghiệp vụ bằng nhiều hình thức khác nhau (như mở các lớp bồi dưỡng chuyên đề, các câu lạc bộ khoa học kỹ thuật về CNTT-TT, cấp học bổng tu nghiệp, tổ chức tham quan khảo sát ở trong nước và nước ngoài, trao tặng các giải thưởng CNTT-TT...). Tạo điều kiện cho mọi đối tượng trong công tác, học tập, nghiên cứu và ứng dụng CNTT-TT trong mọi lĩnh vực kinh tế, sản xuất và đời sống.

· Cấp giấy chứng nhận đào tạo CNTT-TT cho các cơ sở đào tạo trực thuộc.

· Xuất bản ấn phẩm các loại về CNTT-TT. Tổ chức thông tin khoa học kỹ thuật về CNTT-TT. Phổ biến rộng rãi kiến thức cơ bản, thành tựu mới, công trình nghiên cứu và sáng chế, phát minh trong nghiên cứu và ứng dụng CNTT-TT cho hội viên và mọi người dân.

· Liên hệ với các hội và các tổ chức CNTT-TT ở nước ngoài để đẩy mạnh hợp tác quốc tế về CNTT-TT. Khuyến khích và tạo điều kiện cho hội viên gặp gỡ, trao đổi và hợp tác với các tổ chức CNTT-TT của các nước và các tổ chức quốc tế. Tập hợp và động viên người Việt Nam ở nước ngoài tham gia nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về CNTT-TT ở trong nước.

· Liên hệ mật thiết với các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức quần chúng khác để kiến nghị về chính sách phát triển và ứng dụng CNTT-TT; về phương hướng, kế hoạch và biện pháp tổ chức thực hiện; về nội dung và chương trình giảng dạy CNTT-TT ở các cấp học; giới thiệu những hội viên có năng lực vào các tổ chức nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng CNTT-TT của Nhà nước.

· Tư vấn, phản biện và giám định xã hội các dự án, đề án, công trình, đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT-TT của Nhà nước và xã hội.

· Tích cực tham gia các hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Với phương châm “Đoàn kết - Hợp tác – vì sự nghiệp phát triển CNTT-TT Việt Nam”, Hội Tin học Việt Nam đã đưa các hoạt động đi vào nề nếp theo tinh thần “Củng cố tổ chức và phát triển hiệu quả các hoạt động”. Trong hơn 20 năm qua, đã tích cực nâng cao vai trò, vị trí xã hội nghề nghiệp của Hội trong quan hệ với hội viên, doanh nghiệp, với cộng đồng CNTT-TT, củng cố vị thế của Hội Tin học Việt Nam - tổ chức xã hội nghề nghiệp lớn nhất về CNTT-TT - với các cơ quan quản lý nhà nước và từng bước hội nhập cùng cộng đồng CNTT-TT Quốc tế.

Một số hoạt động thường xuyên của VAIP

- Tổ chức Tuần lễ Tin học Việt Nam (IT Week), Vietnam ICT Insight cùng với triển lãm CNTT-TT

- Phối hợp tổ chức Hội chợ Triển lãm Vietnam Telecomp và Internet&IT

- Tổ chức Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam

- Tổ chức kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC khu vực Châu Á

- Phối hợp cùng TW Đoàn TNCSHCM tổ chức hội thi Tin học trẻ toàn quốc

- Phối hợp tổ chức Giải thưởng Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực CNTT-TT

- Tổ chức Hội nghị các Hội Tin học thành viên

- Đồng tổ chức hội thảo Hợp tác Phát triển CNTT-TT Việt Nam.

- Phát triển và hỗ trợ đào tạo, phổ cập kiến thức tin học cho toàn xã hội

- Xuất bản tạp chí Tin học & Đời sống, Cuộc sống số, chuyên san Tin học & Nhà trường, Tin học Chỉ dẫn & Tìm kiếm

- Chủ trì và duy trì các trang thông tin hoạt động hội www.VAIP.org.vn và trang hoạt động chuyên cho sinh viên www.OLP.org,vn

- Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình VTC phát sóng thường kỳ chuyên đề ứng dụng CNTT-TT trên các kênh truyền hình.

- Tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chính sách, dự án CNTT.

- Tham gia đại diện trong các hoạt động và đóng góp ý kiến cho các chủ chương, chính sách quan trọng về định hướng phát triển CNTT-TT Việt Nam.

- Thực hiện Báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng cho ứng dụng CNTT-TT qua Việt Nam ICT index hàng năm.

- Chủ trì các chương trình xúc tiến thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp CNTT-TT.

- Các hoạt động phối hợp với các Cơ quan, tổ chức CNTT-TT Việt Nam và Quốc tế, các hoạt động phối hợp giữa các Hội, hiệp hội xã hội nghề nghiệp có uy tín tại Việt Nam. Các hoạt động phối hợp với các Hội Tin học thành viên.

Các hoạt động tư vấn, phản biện và các chương trình dự án của VAIP:

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Tin học Việt Nam là “Tư vấn, phản biện và giám định xã hội các dự án, công trình, đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT-TT của Nhà nước và xã hội” (trích điều lệ Hôi Tin học Việt Nam).

· Liên tục từ khi thành lập đến nay các thành viên Hội đã chủ động tích cực xây dựng định hướng ứng dụng và phát triển CNTT-TT Việt Nam từ Chỉ thị 49 CT, Chỉ thị 58 CT, Đề án “Sớm đưa Vịêt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT”định hướng ứng dụng và phát triển CNTT-TT các giai đoạn những năm 90, giai đoạn 2000-2005 và từ 2010 đến nay.

· Đã có nhiều hoạt động cụ thể và tham gia thực sự vào các dự án trọng điểm của nhà nước; đã và đang từng bước tiếp nhận các công việc cụ thể sử dụng nguồn ngân sách nhà nước nhằm mang lại hiệu quả thực tế cho hoạt động Hội và quyền lợi Hội viên.

· Tham gia tích cực vào các hoạt động của Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT với nhiều hoạt động cụ thể và các kiến nghị và ý kiến đóng góp.

· Tham gia soạn thảo và góp ý kiến cho chương trình xây dựng Luật Giao dịch điện tử, Luật CNTT và Luật Công nghệ cao.

· Thẩm định nhiều chương trình dự án CNTT-TT như: Quy hoạch CNTT-TT và CNTT, Chiến lược phát triển CNTT-TT, Chương trình trọng điểm, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT (191), v.v.

· Thực hiện nhiều dự án tư vấn, đánh giá với Bộ KH-CN, Bộ Thương mại, các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và Quốc tế.

· Tham gia các Chương trình xúc tiến thương mại của Chính phủ và Bộ Thương mại. Các chương trình đã thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp CNTT-TT và mang lại phần đóng góp tự nguyện kinh phí quản lý cho Hội từ các doanh nghiệp.

· Tích cực tham gia đề án “Hỗ trợ và thúc đẩy ứng dụng CNTT-TT cho doanh nghiệp” (Đề án 191); Tham gia các dự án về phần mềm nguồn mở, chuẩn trao đổi thông tin, dự án về thương mại điện tử ....

· Tích cực tham gia tư vấn phản biện trong các vấn đề liên quan đến bản quyền phần mềm và sở hữu trí tuệ.Tích cực và tham gia triển khai xã hội hoá phần mềm nguồn mở ở Việt Nam.

· Chủ trì tổ chức thực hiện đánh giá Việt Nam ICT Index từ 2005 đến nay và công bố kết quả xếp hạng Vietnam ICT Index cho 4 nhóm đối tượng Tỉnh thành, Bộ ngành, Ngân hàng, Doanh nghiệp 90-91 hàng năm. Hỗ trợ các Bộ ngành, Tỉnh thành xây dựng và thực hiện các báo cáo ICT Index của mình.

Các hoạt động tư vấn, phản biện và các chương trình dự án điển hình:

· 1989-1990 Tư vấn và đánh giá đề án tổng thể “Ứng dụng Tin học vào công tác quản lý ngành Tài chính”. Đến nay ứng dụng CNTT ngành Tài chính đã triển khai được gần 20 năm đến cấp xã với tổng kinh phí đầu tư năm 2009 lên tới trên 1800 tỷ đồng.

· Tư vấn và tham gia biên soạn các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến CNTT-TT như: Luật Giao dịch điện tử (2006), Luật Công nghệ thông tin (2007), các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành các luật trên.

· Tư vấn và thẩm định các chiến lược, quy hoạch về CNTT như: Xây dựng Nghị quyết 49CP ngày 4/8/1993 về "Phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam trong những năm 90" (1992), Xây dựng Chỉ thị 58/CT/TƯ ngày 5/10/2000 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa (1999-2000).

· Thẩm định định hướng Chiến lược phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 (gọi tắt là “Chiến lược Cất cánh”)

· Tư vấn, thẩm định đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT” được Thủ tướng phê duyệt vào 9/2010.

· Xây dựng đề án Báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT Index) cho Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT cho các đối tượng Bộ - Ngành, Tỉnh thành, các Doanh ghiệp lớn và Ngân hàng thương mại (2005-2011).

· Tư vấn xây dựng đề án đánh giá mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT Index) các Bộ Tài chính (2008-2010), Bộ Nông nghiệp và PTNT (2009-2010), Bộ LĐTBXH (2010)v.v.

· Tư vấn và thẩm định các tiểu dự án trong “Dự án phần mềm nguồn mở Quốc gia 2003-2008”,

· Tư vấn xây dựng Cổng thông tin điện tử cho Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (eVUSTA) - 2008-2009

· Tư vấn xây dựng Cổng thông tin điện tử Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010.

· Thực hiện dự án của VUSTA (2008-2009): “Nghiên cứu ứng dụng mô hình tính toán, đánh giá chất lượng môi trường không khí và dự báo diễn biến môi trường không khí trong tương lai tại các khu công nghiệp”.

· Nhiều hoạt động tư vấn, thẩm định và phản biện đề án “Sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT”.

· Tư vấn xây dựng chiến lược phát triển CNTT-TT ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn (2010-2011).

· Tư vấn xây dựng chiến lược phát triển CNTT-TT ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn (2010-2011).

· Tư vấn xây dựng chiến lược phát triển CNTT-TT ngành Y tế: Đề án Telemedicine (2010-2011), Đề án y bạ điện tử (2010-2010).

· Thanh viên các Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ Khoa học Công nghệ trong lĩnh vực CNTT năm 2011 (Bộ KH&CN).

· Xây dựng Cổng thông tin Doanh nghiệp ICT Việt Nam Hoa Kỳ

· Tư vấn và hỗ trợ xây dựng các báo cáo ICT Index cho các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Lao động & TBXH, Công thương. Các Tỉnh thành như Khánh Hoà, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, .v.v..

· Các hội viên tập thể Hội Tin học Việt Nam, các Hội Tin học thành viên đã tham gia trực tiếp và xây dựng các dự án CNTT cho các Bộ, ngành như Tài chính, Giao thông ... và nhiều Quy hoạch phát triển CNTT các Tỉnh thành.

· Các hội viên tập thể Hội Tin học Việt Nam đã tham gia trực tiếp và xây dựng các cổng thông tin quốc gia như: các Cổng thông tin các bộ ngành: Tài chính, Thương mại, .... Các Hội Tin học thành viên đã tham gia xây dựng và tư vấn xây dựng nhiều Trang thông tin và Cổng thông tin điện tử các Tỉnh, thành phố trên cả nước.

TẠP CHÍ TIN HỌC & ĐỜI SỐNG

Cơ quan ngôn luận của Hội Tin học Việt Nam

http://congnghevadoisong.vn

Tạp chí Tin học & Đời sống là cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Tin học Việt Nam, diễn đàn vì sự nghiệp phát triển Công nghệ thông tin Việt Nam, xuất bản hàng tháng và phát hành trên toàn quốc. Tin học & Đời sống không chỉ là một tạp chí thuần tuý phổ biến kiến thức Công nghệ thông tin mà còn phản ánh về mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam có liên quan và chịu tác động của Công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, các thông tin quốc tế về Công nghệ thông tin cũng là một phần không thể thiếu được nhằm giúp bạn đọc Việt Nam nắm bắt được những thành tựu mới nhất của Công nghệ thông tin thế giới cùng những tình hình thời sự của Công nghệ thông tin quốc tế. Số lượng phát hành: 10.000 - 15.000 bản/kỳ.

Tổng Biên tập: TS. Bùi Thiên Hà

Phó Tổng Biên tập: Đinh Duy Hợi

Chủ nhiệm: Nguyễn Long

CHUYÊN SAN THẾ GIỚI SỐ

https://tgs.vn

Chuyên san xuất bản hàng tháng của Hội Tin học Việt Nam dành cho giới trẻ thời công nghệ số chuyên về về thiết bị số, nội dung số và các nội dung chuyên về phần cứng, phần mềm, thông tin thị trường nhân lực, thị trường thiết bị, thị trường đề án, dự án liên quan đến Công nghệ thông tin. Số lượng phát hành: 10.000 -15.000 bản/kỳ.

WEBSITE: WWW.VAIP.VN & WWW.OLP.VN

Ban Thư ký Hội Tin học Việt Nam

Trụ sở: tầng 6 số 14 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam

Tel: 04 38211725, 04 39712597, Fax: 04 38211708, email: office@vnn.vn

Www.vaip.org.vn là website chính thức của Hội Tin học Việt Nam là địa chỉ tin cậy của những người hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT, cung cấp các thông tin về các hoạt động CNTT-TT; về công tác tổ chức và các hoạt động của Hội.

Www.olp.vn là website hoạt động của Hội Tin học Việt Nam là địa chỉ cung cấp các thông tin về các sự kiện dành cho sinh viên như: Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam, Kỳ thi lập trình sinh viên Quốc tế ICPC tại Việt Nam, Giải thưởng Mùa hè sáng tạo viết ứng dụng Phần mềm nguồn mở và các thông tin bổ ích cho tuổi trẻ CNTT-TT Việt Nam.

Chịu trách nhiệm nội dung: Ths. Nguyễn Long