Quy chế - Nội quy

QUY CHẾ

OLYMPIC TIN HỌC SINH VIÊN VIỆT NAM, PROCON

& KỲ THI LẬP TRÌNH SINH VIÊN QUỐC TẾ ICPC TẠI VIỆT NAM

 

Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam (OLP) là sáng kiến của Hội Tin học Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và Bộ giáo dục và Đào tạo nhằm động viên phong trào học tập tin học và khuyến khích các tài năng tin học trẻ. Bắt đầu từ năm 1992, Kỳ thi đã được tổ chức định kỳ hàng năm với sự tham gia của đông đảo sinh viên các trường Đại học và Cao đẳng trong cả nước. Từ năm 2005, sau những năm thử nghiệm với tiêu chuẩn thi lập trình quốc tế ACM/ICPC cho quy trình chấm thi và thi trực tuyến cho khối thi tập thể ”lều chõng”, từ năm 2006 Việt Nam chính thức được chấp thuận tổ chức Kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC (ACM International Collegiate Programming Contest) Khu vực Châu Á. Từ năm 2007, Olympic Tin học sinh viên Việt Nam đã kết nối với Kỳ thi ACM/ICPC thành một Hội thi tin học cho sinh viên Việt Nam và Khu vực Châu Á. Từ năm 2018, ACM/ICPC đổi thành Kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ICPC (International Collegiate Programming Contest). 

Quy mô và phạm vi của Kỳ thi mở rộng theo quy định chung của Chính Phủ và bảo trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đăng cai

Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam và Kỳ thi lập trình sinh viên Quốc tế ICPC Việt Nam được tổ chức tuân theo các thể lệ sau đây:

Điều 1: TIÊU CHÍ CỦA CUỘC THI.

Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam và Kỳ thi vòng loại lập trình sinh viên Quốc tế ICPC Việt Nam (sau đây viết tắt là OLP và ICPC Việt Nam) được tổ chức nhằm động viên phong trào học tập, tự nghiên cứu sáng tạo, nâng cao kỹ năng làm việc tập thể, hội nhập các tiêu chuẩn quốc tế của sinh viên trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin (CNTT) trong các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam và các nước trong Khu vực Châu Á, góp phần phát hiện và khuyến khích các tài năng tin học trẻ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Phạm vi của Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam tổ chức với các khối thi sau:

Phạm vi của Kỳ thi vòng loại ICPC Việt Nam tổ chức với các khối thi sau:

Các vòng, kỳ thi ICPC Việt Nam

Điều 2: ĐỐI TƯỢNG DỰ THI.

Mọi sinh viên các trường Đại học và Cao đẳng đều có thể đăng ký tham gia dự thi xét chọn vào các đội tuyển của từng trường. Mỗi trường có thể tổ chức tuyển chọn và thành lập nhiều đội tuyển tham dự theo các khối thi tập thể  và một đội tuyển tham dự khối tranh giải Cá nhân theo quy định dưới đây. Các khối thi gồm có:

·   Khối A (cá nhân Siêu Cúp OLP): Được tổ chức thi độc lập, không phân biệt chuyên hay không chuyên Tin học, không phân biệt các sinh viên đã đoạt giải Tin học chính thức trong nước và quốc tế. Mỗi trường có thể thành lập đội tuyển thi Siêu Cúp (tối đa 05 sinh viên đang theo học tại trường).

·  Khối B (cá nhân Chuyên Tin học): Dành cho sinh viên đào tạo theo mã ngành Công nghệ thông tin - Tin học (theo Thông tư 09/2022/TT-BGDĐT gồm các mã: 748xxxx: Máy tính và CNTT, 7460108- Khoa học dữ liệu, 7460107 - Khoa học tính toán, 7140210 - Sư phạm Tin học, 7460117 - Toán tin). Khuyến khích các sinh viên không thuộc các mã ngành đào tạo trên đăng ký dự thi.

·  Khối C (cá nhân Không chuyên Tin học): Dành cho sinh viên các ngành đào tạo khác mã ngành Công nghệ thông tin - Tin học (khối B) và sinh viên Cao đẳng. Các sinh viên thuộc diện đối tượng Chuyên tin không được đăng ký thi khối Không chuyên Tin học. 

·  Khối E (Tập thể ICPC): Mỗi trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam hoặc Khu vực Châu Á có thể cử nhiều đội tuyển tham gia, mỗi đội gồm 03 thí sinh và 1 huấn luyện viên thi lập trình quốc tế trong 5 tiếng với 01 máy tính và 01 bộ đề thi bằng tiếng Anh. (Đối tượng dự thi và tiêu chuẩn thi căn cứ theo Quy chế (Rule), Quy định của ICPC toàn cầu trên trang chính thức của ICPC: https://icpc.global). Ban Tổ chức khuyến khích các trường Chuyên THPT toàn quốc lập các đội tuyển đăng ký tham dự, thi chung và được xếp giải riêng.  

· Khối F (Tập thể ICPC dành cho khối Không chuyên): Mỗi trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam có thể cử nhiều nhất một đội tuyển không chuyên tham gia, đội tuyển  gồm 03 thí sinh và 1 huấn luyện viên thi lập trình quốc tế chung với Khối E. Đối tượng tham gia đội tuyển là các sinh viên đáp ứng theo tiêu chí dự thi khối cá nhân không chuyên và cao đẳng. Đăng ký toàn cầu như Khối E và phải  đăng ký xếp hạng và trao giải không chuyên với Ban Tổ chức cho các đội tuyển tham dự khối này.

·  Khối H (Tập thể Phần mềm nguồn mở): Mỗi trường có thể thành lập không quá 02 đội tuyển thi Phần mềm nguồn mở với tối đa 03 sinh viên một đội tuyển.

. Khối thi tập thể Procon: Mỗi trường có thể thành lập không quá 02 đội tuyển thi nội dung lập trình đối kháng Procon với tối đa 03 sinh viên một đội tuyển.

·  Vòng thi ICPC khu vực Bắc, Trung, Nam online: do các Trường trong khu vực đăng cai tổ chức sau khi đăng ký với Ban Tổ chức ICPC toàn cầu và Việt Nam. Mỗi trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam có thể cử nhiều đội tuyển tham gia, mỗi đội gồm 03 thí sinh và 1 huấn luyện viên thi lập trình quốc tế trực tuyến (online) trong 5 tiếng với 01 máy tính và 01 bộ đề thi bằng tiếng Anh. (Đối tượng dự thi, đăng ký và tiêu chuẩn thi căn cứ theo Quy chế, Quy định  trên ICPC: http://icpc.baylor.edu/icpc/default.htm).

·  Kỳ thi ICPC Quốc gia: từ kết quả vòng online khu vực, mỗi trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam có thể cử nhiều đội tuyển tham gia, mỗi đội gồm 03 thí sinh và 1 huấn luyện viên thi lập trình quốc tế trực tuyến (hình thức tổ chức thi tập trung theo vùng) trong 5 tiếng với 01 máy tính và 01 bộ đề thi bằng tiếng Anh. (Đối tượng, đăng ký  và tiêu chuẩn thi căn cứ theo Quy chế, Quy định  trên ICPC: https://icpc.global).

·  Kỳ thi ICPC Asia điểm thi Việt Nam: từ kết quả ICPC Quốc gia Ban Tổ chức chọn các đội tuyển tham gia kỳ thi ICPC Asia từ các đội tuyển tham dự ICPC Quốc gia. Số lượng đội tuyển lựa chọn thi ICPC Asia căn cứ theo điều kiện tổ chức thi của trường đăng cai kỳ thi. 

· Các đội tuyển quốc tế đến từ khu vực Châu Á đăng ký dự thi ICPC Asia điểm thi Việt Nam thi theo đối tượng Khối E và đăng ký theo quy định chung của Kỳ thi ICPC theo thông tin hướng dẫn đăng ký trên website: http://www.OLP.vn/, http://acm-icpc.olp.vn https://icpc.global 

Các quy định cụ thể về đối tượng dự thi:

+ Các Đội tuyển của từng trường thi các khối cá nhân B (chuyên tin), C (không chuyên tin) gồm  không quá 3 sinh viên, không có thí sinh dự bị. Xếp giải đồng đội các khối này trên cơ sở đội tuyển đủ 3 thí sinh (tổng điểm).  

+ Các sinh viên đã từng đạt từ giải Ba chính thức trở lên trong các Kỳ thi quốc gia và quốc tế về tin học dành cho học sinh giỏi PTTH không được đăng ký thi các khối cá nhân (B, C), chỉ được đăng ký thi khối cá nhân Siêu CUP (A). Các sinh viên đã từng đạt từ giải khuyến khích trở lên trong các Kỳ thi quốc gia và quốc tế về tin học dành cho học sinh giỏi PTTH không được đăng ký thi các khối cá nhân Không chuyên tin (C). 

+ Các sinh viên đã từng đoạt giải cá nhân chính thức từ giải Ba trở lên trong các Kỳ thi Olympic Tin học các năm trước không được tham gia đội tuyển dự thi các khối cá nhân của khối đã từng đoạt giải (Khối B, C). Khuyến khích các thí sinh đã đoạt giải Olympic Tin học các kỳ trước đăng ký thi vượt cấp  (thí dụ: từ Cao đẳng, Không chuyên lên Chuyên Tin học và Chuyên tin lên thi Siêu CUP).

+ Sinh viên Cao đẳng đăng ký thi khối Chuyên tin (B) và khối Không chuyên tin (C). Tính điểm ưu tiên cho sinh viên Cao đẳng với hệ số 1.2 nếu thi Không chuyên hoặc thi Chuyên tin với hệ số 1.4.

+ Khối thi tập thể ICPC E và F sẽ thi cùng thời điểm (đề thi tiếng Anh như nhau) và lệch ngày thi các Khối cá nhân. Mỗi trường có thể đăng ký nhiều đội tuyển tham gia dự thi tập thể ICPC (khối E) và nhiều nhất một đội thi ICPC khối không chuyên (khối F).

+ Các vòng thi ICPC khu vực online sẽ thi trước 1 đến 2 tháng so với thời điểm tổ chức Olympic. Mỗi trường có thể đăng ký nhiều đội tuyển các khối tham gia và thi chung một bộ đề thi theo chuẩn ICPC. Vòng online khu vực Bắc, Trung, Nam sẽ do các trường trong khu vực đăng cai tổ chức sau khi đăng ký và thống nhất với Ban Tổ chức và tuân thủ Quy chế, quy định của Ban Tổ chức ICPC toàn cầu. Vòng ICPC Khu vực và Quốc gia Online xếp hạng chung không phân biệt các khối Chuyên (E) và Không chuyên (F) 

+ Kỳ thi ICPC quốc gia sẽ thi trước 1 tháng so với thời điểm tổ chức Olympic. Mỗi trường có thể đăng ký nhiều đội tuyển tham gia và thi chung một bộ đề thi theo chuẩn ICPC. Chỉ các đội giải được ít nhất 1 bài mới có quyền đăng ký dự thi tiếp Kỳ thi ICPC Việt Nam. Số lượng các đội tuyển vào tham dự ICPC Việt Nam căn cứ theo điều kiện tổ chức của trường đăng cai và kết quả Kỳ thi ICPC quốc gia.

Điều 3: HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG THI.

·  Khối A, B, C: Là các khối thi cá nhân dành cho sinh viên đang theo học các  trường đại học, cao đẳng; thi lập trình và kỹ năng tin học trên máy tính giải một số bài toán thuộc phạm vi chương trình Tin học đại cương hiện hành và nâng cao.

· Các khối thi cá nhân A, B, C thi trực tuyến, chấm test tự động và công bố kết quả chấm trực tuyến. Kết quả sẽ công khai từ phút làm bài thứ 30 trong khu vực tổ chức thi và cho khán giả theo dõi, trước khi kết thúc thời gian thi 45 phút sẽ dừng công bố trực tuyến kết quả. Hệ thống chấm trực tuyến (CMS – Contest Management System) khối cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế thông dụng.

·  Khối B, C (không chuyên): Là các khối thi cá nhân dành cho sinh viên đang theo học các trường đại học, cao đẳng; nội dung thi: một phần thi lập trình giải một số bài toán cụ thể, giải một số bài toán ứng dụng. Thời gian thi 3 tiếng. Tất cả nội dung thi đều thuộc phạm vi chương trình Tin học đại cương hiện hành và nâng cao. 

· Khối A - Siêu Cúp: Thi cùng lúc với các khối B, C. Thời gian thi 4 tiếng. Mỗi trường có không quá 05 thí sinh dự thi trừ ngoại lệ do Ban Tổ chức cho phép. Giải thưởng gồm có 01 Cúp Vàng, 02 Cúp Bạc và 03 Cúp Đồng và các đồng giải Ba và Chứng nhận đoạt Cúp và đồng Giải Ba.

· Khối tập thể E (ICPC): theo tiêu chuẩn kỳ thi lập trình quốc tế ICPC toàn cầu. Cả đội giải chung một đề thi bằng tiếng Anh trên cùng một máy tính. Chấm test tự động, trực tuyến: câu nào xong trước chấm trước và công bố kết quả chấm trực tuyến. Các đội được quyền làm lại những câu sai đến khi đúng (nếu thời gian cho phép). Câu đúng được 1 điểm, việc đánh giá thứ bậc căn cứ theo tổng thời gian làm bài ngắn nhất. Kết quả trực tuyến sẽ công khai từ phút làm bài thứ 45 trong khu vực tổ chức thi và cho khán giả theo dõi, trước khi kết thúc thời gian thi 60 phút sẽ dừng công bố trực tuyến kết quả. Thể lệ và quy chế thi khối tập thể E, F tuân thủ tiêu chuẩn Kỳ thi ICPC toàn cầu.

· Khối tập thể F không chuyên tin (ICPC): cùng thi chung với khối E và có bảng xếp hạng và giải thưởng riêng cho vòng ICPC Vietnam, các vòng Khu vực và Quốc gia online không xếp giải riêng.

· Vòng thi ICPC khu vực online: thi trực tuyến (online) theo tiêu chuẩn kỳ thi ICPC toàn cầu và kỳ thi ICPC Việt Nam. Các trường căn cứ kết quả sẽ chọn ra các đội tuyển tham dự các vòng thi tiếp theo. Ngoài xếp hạng trong khu vực theo quy định chung của ICPC, sẽ công bố và trao thưởng Giải Nhất, Nhì, Ba cho các trường trong khu vực (miền Bắc, miền Trung, miền Nam). Các Trường ngoài khu vực dự thi được gọi là khách mời tham dự.  

· Kỳ thi ICPC quốc gia: thi trực tuyến ( tổ chức các điểm thi tập trung) theo tiêu chuẩn kỳ thi ICPC toàn cầu và kỳ thi ICPC Việt Nam. Theo kết quả kỳ thi ICPC quốc gia sẽ chọn ra các đội tuyển tham dự Kỳ thi ICPC Asia điểm Việt Nam. ICPC Quốc gia có các giải theo thông lệ chung của kỳ thi ICPC.

- Ngôn ngữ lập trình cho các khối chuyên tin, Siêu CUP: C/C++, Python 3 và Java

- Ngôn ngữ lập trình và kỹ năng cho các khối không chuyên tin: C/C++, Python 3,  Java và Pascal (không khuyến khích)

- Ngôn ngữ lập trình cho các khối Tập thể ICPC: C/C++,  Java và Python 3 (theo quy định chung của ICPC toàn cầu). Các đội tuyển thi ICPC được sử dụng từ điển.

·  Khối Phần mềm nguồn mở H: Là các khối thi dành cho tập thể theo hình thức Hackathon giải một số bài toán Tin học trên máy tính bằng Phần mềm nguồn mở và trả lời các câu hỏi liên quan đến Phần mềm mã nguồn mở (thi vào buổi riêng). Mỗi đội tuyển có tối đa 03 thí sinh dự thi.  Thể lệ và quy chế thi khối Phần mềm nguồn mở sẽ được cụ thể và chi tiết hóa trong văn bản riêng.

. Khối PROCON Vietnam: Là các khối thi tập thể lập trình đối kháng trên máy tính theo đề thi và môi trường thi cho trước (thi vào buổi riêng). Mỗi đội tuyển có tối đa 03 thí sinh dự thi.  Thể lệ và đề thi, môi trường luyện tập  thi khối Procon sẽ được cụ thể và chi tiết trong thông báo riêng.

Điều 4: ĐĂNG KÝ DỰ THI.

· Đăng ký  dự Olympic Tin học cho các đội tuyển tham dự trên Cổng Đăng ký OLP được công bố và kết nối trên trang thông tin kỳ thi www.OLP.vn. Các Trường thông qua Trưởng, Phó đoàn đại diện liên hệ với Ban Tổ chức để nhận tài khoản đăng ký trước Kỳ thi từ 2 đến 3 tháng.

 . Danh sách chính thức lấy (xuất) từ Cổng Đăng ký OLP cần lấy xác nhận của trường (ký tên đóng dấu của trường) nộp cho Ban tổ chức một ngày trước khi khai mạc kỳ thi.  Ban Tổ chức không chấp nhận các đăng ký chậm không qua Cổng Đăng ký OLP. Trong danh sách phải ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh của thí sinh và khoa/ngành mà thí sinh đang theo học cùng với các thông số theo quy định đối tượng dự thi theo Quy chế. Các số liệu trên cần được cung cấp chính xác để Ban Tổ chức làm giấy chứng nhận kỳ thi và kiểm tra tư cách dự thi. (Trường hợp phạm quy và không đăng ký đúng quy định Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm chỉnh sửa, bổ xung sau khi kết thúc kỳ thi).

·  Các đội tuyển tham dự vòng loại ICPC khu vực châu Á tại Việt Nam và các vòng thi ICPC vùng, khu vực và quốc gia online đăng ký trực tuyến trên website của kỳ thi theo quy định của ICPC và Ban Tổ chức.

· Kèm theo danh sách dự thi, khuyến khích các trường, các đoàn dự thi gửi cho Ban Tổ chức 01 bộ đề thi theo khối mà đội tuyển tham gia và được niêm phong chuyển Ban ra đề làm cơ sở so sánh chất lượng chung và tham khảo, soạn đề thi phù hợp cho mỗi khối thi.

·  Thí sinh dự thi phải mang theo thẻ sinh viên.

·  Các trường phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các danh sách đội tuyển dự thi. Những trường hợp vi phạm về đối tượng dự thi nêu trong Điều 2 quy chế này đều sẽ bị huỷ bỏ kết quả thi mà không cần phải báo trước.

·  Ban Tổ chức sẽ công bố danh sách dự thi (theo đăng ký của các trường) trên website kỳ thi. Các trường, đội tuyển rà soát danh sách và phát hiện các nghi vấn và sai sót về đối tượng dự thi nêu trong Điều 2 quy chế này gửi cho Ban Tổ chức để xử lý chậm nhất trước ngày thi đầu tiên. Mọi thắc mắc về đối tượng dự thi gửi tới Ban Tổ chức sau buổi thi cuối cùng trong Olympic bắt đầu sẽ không được giải quyết.    

Điều 5: QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA THÍ SINH DỰ THI.

· Tất cả các thí sinh dự thi đều được cấp Chứng chỉ tham dự kỳ thi. Các thí sinh đạt kết quả cao đều được khen thưởng và cộng điểm năm học hoặc điểm của môn học tương ứng theo quy chế và quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT hoặc theo quy định cụ thể riêng của từng trường.

· Các Đội tuyển và thí sinh dự thi Khối tập thể ICPC đều được cấp Chứng chỉ tham dự Kỳ thi ICPC. Các Đội tuyển đoạt giải cao nhất khối ICPC sẽ được Ban tổ chức Việt Nam đề xuất và hỗ trợ tham dự các vòng thi tiếp theo và xét chọn vào Chung kết toàn cầu ICP đại diện Khu vực Châu Á. 

·  Các khối thi đều có các giải nhất, nhì, ba và khuyến khích. Số lượng cụ thể được xét chọn căn cứ vào kết quả của kỳ thi. Ngoài ra, Ban Tổ chức sẽ xét trao giải đồng đội cho các đội tuyển thuộc khối cá nhân B, C trên cơ sở kết quả thi của các thí sinh trong đội tuyển (chỉ xét trao cho các đội tuyển có đủ số lượng thí sinh dự thi theo quy định).

· Mỗi giải thưởng đều có Bằng khen hoặc Chứng nhận kèm theo. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ , Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên Việt Nam sẽ xem xét khen thưởng xứng đáng cho các thí sinh và các đội tuyển đạt giải cao nhất của kỳ thi.

· Các thí sinh phải chấp hành nghiêm các quy chế và quy định của kỳ thi. Mọi vi phạm, tuỳ theo mức độ nặng nhẹ mà có thể bị nhắc nhở, cảnh cáo, trừ điểm, hủy kết quả thi hoặc thông báo về các trường chủ quản để xử phạt hành chính theo các quy định hiện hành. 

 Điều 6: KINH PHÍ CỦA CUỘC THI.

1. Kinh phí của Kỳ thi được hình thành trên cơ sở hỗ trợ của các cơ quan bảo trợ, các nhà tài trợ và kinh phí đóng góp của các đội tuyển. Mỗi đội tuyển dự thi của mỗi khối thi đóng lệ phí dự thi là 1.800.000đ/1đội (một triệu tám trăm ngàn đồng), riêng khối thi Siêu cúp, khối thi PMNM và trường hợp đội tuyển tham dự không đủ 3 sinh viên dự thi thì đóng lệ phí mức 600.000đ/1sinh viên. Mỗi đội tuyển dự Kỳ thi ICPC quốc gia đóng lệ phí dự thi là 1.000.000đ (một triệu đồng). Các đội Quốc tế đăng ký thi ICPC tại Việt Nam đóng phí 200 USD theo quy định của Ban Tổ chức ICPC Việt Nam.

2. Kinh phí được dùng vào các khoản sau: Giải thưởng; tặng phẩm, quà tặng; Hỗ trợ tham dự thi quốc tế; áo thi đấu cho các đội tuyển dự thi; Chi phí liên quan đến tổ chức (ra đề, giám khảo, văn kiện, tài liệu, phương tiện phục vụ Kỳ thi, tuyên truyền về Kỳ thi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức giao lưu, văn nghệ, thể thao...); Chi phí các bữa ăn trưa tập trung và tiệc tối tổng kết, giao lưu kỳ thi.  

3. Các đoàn tự lo kinh phí tổ chức các đội tuyển, cũng như kinh phí ăn ở, đi lại cho các đội tuyển của mình ngoài các hoạt động chung của Ban Tổ chức.

4. Theo Quy định của các Vòng thi và Kỳ thi, kinh phí tham dự thi có thể chuyển khoản trước cho Ban Tổ chức hoặc nộp trực tiếp cho thường trực Ban Tổ chức Kỳ thi: Văn phòng Hội Tin học Việt Nam, tầng 6, số 14 Trần Hưng Đạo, Hà Nội hoặc nộp trực tiếp tại khu đón tiếp các đoàn tham dự kỳ thi vào ngày trước khi khai mạc.

Điều 7: TỔ CHỨC, CHỈ ĐẠO CUỘC THI.

1. Ban Chỉ đạo: Được thành lập trên cơ sở thoả thuận và gồm đại diện lãnh đạo của các cơ quan đồng tổ chức và bảo trợ Kỳ thi. Ban Chỉ đạo do Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam làm Trưởng ban có trách nhiệm chỉ đạo phối hợp các cơ quan về mọi hoạt động liên quan đến Kỳ thi. Thành phần Ban Chỉ đạo gồm có đại diện:

·   Bộ Giáo dục và Đào tạo

·   Bộ Thông tin và Truyền thông

·   Bộ Khoa học và Công nghệ

·   Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam

·   Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

·   UBND tỉnh/thành phố đăng cai tổ chức.

2.       Ban Tổ chức:

-       Ban Tổ chức chung do Trưởng ban Chỉ đạo ra quyết định thành lập, bao gồm đại diện các cơ quan đồng bảo trợ, đồng tổ chức và đơn vị đăng cai. Ban Tổ chức do Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam làm Trưởng ban, chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo trực tiếp triển khai thực hiện mọi  kế hoạch và nội dung hoạt động của kỳ thi.

-       Ban Tổ chức vòng loại ICPC khu vực Châu Á tại Việt Nam được Chủ tịch ICPC Khu vực Châu Á chấp thuận và được Hiệu trưởng Trường đăng cai cùng Hội Tin học Việt Nam ra quyết định thành lập căn cứ theo quy định và nhiệm vụ Kỳ thi ICPC Việt Nam.

-       Ban Tổ chức của đơn vị đăng cai do Ban Giám hiệu Trường đăng cai ra quyết định thành lập bao gồm đại diện các cơ quan chức năng thuộc trường để triển khai thực hiện nhiệm vụ của Ban Tổ chức kỳ thi và của đơn vị đăng cai.

-       Hội Tin học thành viên của Hội Tin học Việt Nam tại địa phương đăng cai với tinh thần hỗ trợ Kỳ thi được giới thiệu vào Ban Tổ chức Kỳ thi và Ban Tổ chức đơn vị đăng cai kỳ thi.

3.  Hội đồng Giám khảo: Do Trưởng Ban Chỉ đạo ra quyết định thành lập, gồm các chuyên gia Tin học của Hội Tin học Việt Nam, các Viện nghiên cứu, các trường Đại học và Cao đẳng và các chuyên gia CNTT-TT quốc tế. Hội đồng Giám khảo chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức về mọi mặt chuyên môn của Kỳ thi: tổ chức ra đề thi, chấm thi, tổng hợp kết quả trình Ban Tổ chức và Ban Chỉ đạo để xét và quyết định trao các giải thưởng của Kỳ thi. Mọi hoạt động của Hội đồng Giám khảo tuân theo Quy chế hoạt động của Hội đồng Giám khảo được ban hành kèm theo Quyết định thành lập Hội đồng Giám khảo.  

Điều 8: THỜI GIAN TỔ CHỨC.

· Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam và Kỳ thi ICPC Việt Nam được tổ chức định kỳ trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm. Các quy định về thời hạn đăng ký, thời gian, địa điểm và những yêu cầu cụ thể khác sẽ được nêu trong thông báo riêng và đăng tải chính thức trên trang chính Olympic: www.OLP.vn .

·   Kỳ thi ICPC Việt Nam tổ chức độc lập cùng thời điểm tổ chức Olympic. Các quy định về đăng ký, thời gian, địa điểm và những yêu cầu cụ thể khác sẽ tuân thủ theo quy chế, quy định của Ban Tổ chức ICPC toàn cầu được thông báo độc lập và đăng tải chính thức trên trang Olympic: www.OLP.vn và trang tin của ICPC toàn cầu.

·  Thông báo số 1 về Kỳ thi sẽ được gửi cho tất cả các trường Đại học và Cao đẳng cả nước trước khi khai mạc kỳ thi ít nhất 90 ngày và thông báo rộng rãi để các trường và các cá nhân có điều kiện chuẩn bị.

· Mọi quy định, thông báo về kỳ thi được công bố, trao đổi công khai trên website kỳ thi tại địa chỉ: http://www.olp.vn/

Điều 9: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.

Quy chế này được Ban Chỉ đạo Kỳ thi thông qua và có hiệu lực kể từ khi ban hành. Mọi sửa đổi để phù hợp với sự phát triển của ngành CNTT-TT và các điều kiện thực tế khác đều phải được thông báo rộng rãi trước khi Kỳ thi bắt đầu.

(Bản Quy chế được chỉnh sửa tháng 4/2023)

Mong các Thày, Cô Huấn luyện viên góp ý dự thảo Quy chế năm 2023

Mọi ý kiến xin gửi về OlpVietnam@vaip.vn 

                                

Quy định thi online

Dành cho các khối thi cá nhân OLP (ngoài khối thi PMNM)

Dưới đây mô tả các quy tắc, quy định thi online trong các khối thi cá nhân OLP:

(hướng dẫn sử dụng hệ thống thi online công bố trên www.OLP.vn )

 

1. Ngôn ngữ lập trình

Thí sinh không được sử dụng ngôn ngữ lập trình khác với ngôn ngữ lập trình đã công bố trên trang www.OLP.vn tại mục công cụ - môi trường.

2. Các quy định không được sử dụng :

Thí sinh không được đưa các dữ liệu số (chương trình mẫu, mô tả thuật toán, ...) vào máy tính được sử dụng trong cuộc thi. Thí sinh không được sử dụng các phương tiện lưu trữ (USB, đĩa mềm và CD-ROM), máy tính, từ điển điện tử, điện thoại di động trong kỳ thi. Thông tin thí sinh có thể truy cập bao gồm trang web thi để kiểm tra bài và phần trả lời và hướng dẫn sử dụng trên các máy tính (giám thi, info, tài liệu API Java, và thông số kỹ thuật SGI STL , ..). Hướng dẫn sử dụng thi công bố trên trang www.OLP.vn .

3. Quy định về trao đổi thông tin trong lúc thi:

Trong thời gian thi, thí sinh không được giao tiếp liên lạc với người khác dưới mọi  hình thức. Chỉ được phép hỏi và nghe trả lời của giám thị hoặc của giám khảo nhưng hỏi- đáp phải nói công khai trong phòng thi.

4. Không truy cập ra ngoài trong kỳ thi:

Thí sinh không được truy cập Web (chat, diễn đàn, vv ...) để trao đổi bài, gửi bài làm và kiểm tra bảng xếp hạng trên trang Web của kỳ thi. Cấm truy cập vào các máy khác, bằng cách sử dụng các lệnh truy cập từ xa chẳng hạn như ftp và ssh. Các thí sinh chỉ gửi / nhận e-mail, thông báo đến / từ ban giám khảo.

5. Mỗi thí sinh chỉ sử dụng một máy tính

Mỗi thí sinh được phép sử dụng một máy tính trong cuộc thi. Chỉ có chuột và bàn phím có thể được kết nối vào máy tính, không có thiết bị đầu vào khác được kết nối.

6. Không sử dụng công cụ lập trình tự động

Thí sinh không được sử dụng bất kỳ công cụ hỗ trợ lập trình mà có thể tạo ra các chương trình tự động, chẳng hạn như yacc và lex.

Thí sinh vi phạm bất cứ điều nào nói trong các mục từ mục 1 đến mục 6 đều bị hủy kết quả dự thi Olympic.

7. Biên bản xác nhận trạng thái thi

Ngay sau buổi thi, Hội đồng giám khảo và Tổ giám thi sẽ gửi biên bản xác nhận trạng thái thi cho Ban tổ chức ngay sau khi kết thúc thi. Thông tin chi tiết biên bản vi phạm (nếu có) sẽ được công bố sau khi thi.

Chấm điểm

Theo tiêu chuẩn hệ thống thi online CMS (theo hướng dẫn sử dụng).

Sẽ công bố trước trang thi riêng cho các khối OLP. Các thí sinh cũng sẽ có thể truy cập vào bảng xếp hạng kỳ thi đầy đủ và bảng xếp hạng này sẽ không được cập nhật trong 30 phút cuối cùng của cuộc thi.

Bảng xếp hạng

Bảng xếp hạng được xác định bằng cách sử dụng các quy tắc như kỳ thi Olympic tiêu chuẩn (IOI CMS).

Khen thưởng:

Căn cứ bảng xếp hạng, Ban Tổ chức sẽ khen thưởng các thí sinh đoạt giải.

 

Quy định cụ thể đối với thí sinh

Thí sinh phải có mặt trước giờ thi 30 phút. Tất cả các thí sinh phải trình diện thẻ sinh viên hoặc chứng minh thư nhân dân khi vào phòng thi. Mỗi thí sinh sẽ được giao một máy tính và tài khoản thi. Thí sinh cần kiểm tra máy và log in vào tài khoản của mình.

Trong khoảng thời gian một tiếng đầu tiên của buổi thi, thí sinh có thể gửi câu hỏi liên quan đến đề thi bằng văn bản để nhận được câu trả lời chỉ hoặc là “Đúng” hoặc là “Không đúng” hoặc là “Câu trả lời có trong đầu bài” hoặc là “Câu hỏi không đúng qui cách”  hoặc là “Không bình luận”.

Bài làm của thí sinh được chấm trên hệ thống chấm. Hệ thống chấm đáp ứng môi trường thực thi tương đương như của các máy các thí sinh (theo công bố môi trường thi trên trang www.OLP.vn ).

Thí sinh nộp bài làm của mình bằng cách sử dụng hệ thống theo hướng dẫn. Thí sinh có thể nộp tối đa một lần cho mỗi bài trong một phút và nhiều nhất là 30 lần mỗi bài.

Mỗi chương trình nguồn giải một bài toán phải được viết bằng một trong ngôn ngữ lập trình đã quy định cụ thể với mỗi khối thi OLP và có độ dài không quá 256KB và máy chấm có thể biên dịch trong thời gian không quá 10 giây. Các thông tin liên quan đến từng bài thi về giới hạn bộ nhớ và thời gian chạy sẽ quy định cụ thể trong đề thi.

Thí sinh có thể sử dụng hệ thống chấm để xem kết quả của bài nộp. Kết quả trả về là tổng số điểm hoặc thông báo về lỗi biên dịch hoặc lỗi chạy chương trình. Chi tiết mô tả trong hướng dẫn sử dụng hệ thống thi trên www.OLP.vn .  

Không có thông tin về input/output hoặc bất kỳ thông tin chi tiết chạy khác được cung cấp cho thí sinh. Các thí sinh có thể suy ra điểm số tạm thời của mình cho dựa vào các thông tin phản hồi. Tuy nhiên, vẫn có khả năng điểm số có thể thay đổi do kháng cáo, hoặc do sự không ổn định bài nộp của thí sinh. Sự không ổn định có thể phát sinh từ sự cố ý sử dụng số giả ngẫu nhiên, hoặc vô ý do lỗi lập trình hoặc biên thời gian chạy. Bài nộp có thể được đánh giá lại nhiều lần và điểm số cuối cùng sẽ là thu được từ các đánh giá cuối cùng.

Điểm số cho mỗi bài là điểm cao nhất trong tất cả các lần nộp.

Thí sinh có thể yêu cầu kỹ thuật viên giúp đỡ hỗ trợ về máy tính và các vấn đề mạng. Cách duy nhất mà thí sinh được phép truy cập mạng là thông qua hệ thống chấm, thậm chí chạy lệnh "ping" cũng bị nghiêm cấm. Thí sinh không nên cố gắng để sửa chữa hoặc gỡ rối hoặc thậm chí kiểm tra vấn đề về máy tính hoặc mạng, thay vào đó thí sinh nên yêu cầu trợ giúp.

Ba cảnh báo sẽ được đưa ra phút thứ 15, phút 5 và phút cuối cùng trước khi kết thúc cuộc thi. Kết thúc cuộc thi sẽ được công bố cả bằng lời nói và bằng một tín hiệu âm thanh.Khi thông báo kết thúc cuộc thi, các thí sinh phải ngay lập tức ngừng hoạt động và chờ đợi tại bàn và không được chạm vào máy tính, các đồ vật, thiết bị trên bàn.

(Ban hành ngày 23/11/2016)

NỘI QUY

OLYMPIC TIN HỌC SINH VIÊN VIỆT NAM  

& KÌ THI LẬP ACM/ICPC ASIA VIETNAM

(Ban hành kèm theo Quy chế OLP và ACM/ICPC Asia Vietnam)

 

1.    Thí sinh dự thi cá nhân và các thí sinh trong đội tuyển dự thi các khối tập thể (sau đây gọi là thí sinh) phải theo đúng đối tượng đã quy định trong Quy chế Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam.

2.    Thí sinh dự thi các giải Olympic phải mặc áo dự thi và thẻ dự thi đã phát khi dự thi các nội dung OLP.  Thí sinh dự thi ACM/ICPC phải mặc áo và đeo thẻ dự thi ACM/ICPC.   

3.    Khi vào khu vực thi, bàn thi, khu thi theo đội tuyển (sau đây gọi tắt là khu vực), mọi thí sinh đều phải mang thẻ sinh viên. Thí sinh phải ngồi đúng chỗ qui định và thực hiện mọi hướng dẫn của giám thị và cán bộ khu vực thi.

4.    Thí sinh phải vào khu vực thi đúng giờ qui định. Thí sinh nào đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh bắt đầu làm bài thi sẽ không được quyền dự thi.

5.    Mỗi thí sinh nhận vị trí dự thi theo số báo danh hoặc vị trí dự thi theo tên đội tuyển. Mỗi thí sinh sẽ làm bài trên máy vi tính hoặc thiết bị do Ban tổ chức chuẩn bị, được nhận giấy nháp và bút viết (nếu không mang). Ngoài những vật dụng được phép mang vào trong khi thi (theo quy chế và đăng ký trước) và các vật dụng được BTC cấp phát thí sinh không được mang theo bất cứ tài liệu, hoặc trang bị tin học, viễn thông (di động, nhắn tin, thiết bị sao lưu...) nào khác vào khu vực thi.

6.    Thí sinh có trách nhiệm kiểm tra thiết bị máy tính, thiết bị làm bài của mình, ngoài các chương trình đã được cài sẵn không được tự tiện cài đặt, trao đổi gì khác trên máy và chỉ làm bài và các đăng ký cần thiết theo hướng dẫn của đề thi hoặc của giám thị khu vực thi.

7.    Trong khu vực thi thí sinh không được dùng bất cứ hình thức nào để trao đổi, gửi hoặc nhận thông tin. Tuyệt đối nghiêm cấm sử dụng điện thoại di động và các thiết bị sao lưu, truyền, nhắn  tin.

8.    Khi có yêu cầu cần thiết thí sinh phải đề nghị công khai với giám thị khu vực thi. Những vấn đề liên quan đến nội dung thi, nếu cần giải đáp, giám thị sẽ thực hiện công khai trước toàn thể phòng thi.

9.    Khi có sự cố kỹ thuật về thiết bị máy tính hoặc thiết bị lưu trữ, thí sinh có quyền yêu cầu giám thị xem xét, giải quyết. Giám thị lập biên bản và theo điều kiện thực tế có thể quyết định kéo dài thêm thời gian làm bài bị mất vì sự cố nếu thấy cần thiết.

10.  Thí sinh không được đánh dấu bài thi dưới bất kỳ hình thức nào.

11.  Đối với khối thi cá nhân: khi có hiệu lệnh chuẩn bị hết giờ thí sinh phải nhanh chóng ghi kết quả thi vào đĩa cứng (hoặc thiết bị lưu trữ do Ban tổ chức cung cấp), nộp tại máy của mình kết quả làm bài thi. Nếu thi offline, khi nộp kết quả làm bài thi, thí sinh phải ký nhận nộp bài theo danh sách khu vực thi trước sự chứng kiến và xác nhận của giám thị khu vực thi.

12.  Đối với thi tập thể trực tuyến: 45-60 phút trước khi hết giờ sẽ có thông báo và dừng truyền công khai kết quả trực tuyến. Ban Tổ chức sẽ thông báo liên tục thời gian ở những phút cuối cùng để các đội tuyển nộp bài trực tuyến trước khi kết thúc buổi thi.

13.   Giám thị và giám sát khu vực thi thực hiện nhiệm vụ theo quy chế hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định của Ban Tổ chức đã công bố.

14.   Mọi trường hợp vi phạm sẽ đều bị xử lý, tuỳ theo lỗi nặng nhẹ mà có thể bị nhắc nhở, cảnh cáo, trừ điểm, huỷ kết quả thi hoặc thông báo về các trường chủ quản để xử phạt hành chính theo các quy định hiện hành.

15.   Hiệu lệnh: Ban Tổ chức sẽ có các hiệu lện sau để thông báo

  - Hiệu lệnh báo hiệu vào khu vực thi.

  - Hiệu lệnh thông báo bắt đầu làm bài thi.

- Hiệu lệnh báo chuẩn bị hết giờ làm bài theo thông báo bằng lời của giám thị.

- Hiệu hết giờ làm bài thi, thí sinh thực hiện các thủ tục nộp bài và ký xác nhận.

Nội quy này được phổ biến tới các đội tuyển và thí sinh dự thi và có hiệu lực kể từ ngày ký.